Thật ra cho đến ngày hôm nay, chưa có một tài liệu nào cho chúng ta biết chính xác ai là người đã sáng tạo ra khoa Phong Thủy. Những tài liệu đưa ra từ trước đến nay về vấn đề này chỉ là những giả thuyết hay do sự suy diễn của mỗi cá nhân mà thôi.

Và kể cả câu hỏi về thời gian mà khoa Phong Thủy xuất hiện, chúng ta cũng không có câu trả lời chính xác, mà cũng chỉ là những phỏng đoán theo tiến trình lịch sử của Trung Hoa là nơi đã phát sinh khoa Phong Thủy.

Một trong những giả thuyết cho rằng khoa Phong Thủy ra đời cùng với thời gian mà người Trung Hoa khám phá ra đặc tính của nam châm và xử dụng để làm la bàn tìm phương hướng, đó là thời gian mà người ta ước đoán là khoảng năm 2600 trước Công Nguyên.

Bởi vậy, chúng ta chỉ lưu ý đến tiến trình của khoa Phong Thủy và những người đã có công hoàn chỉnh bộ môn này với những dữ kiện có thể tin tưởng được.

Lão Tử, vị giáo chủ của đạo Lão, là nhân vật đầu tiên mà đa số những người tìm hiểu về khoa Phong Thủy nghĩ rằng ông đã có công góp phần không ít cho bộ môn này trong buổi sơ khai. Tuy không có một tài liệu chính xác nào lưu lại, nhưng người ta tin tưởng Lão Tử đã dựa vào Kinh Dịch để đặt nền tảng cho khoa Phong Thủy vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên.

Bậc thầy thứ hai là Hồng Phạm, trong thời nhà Hán, người đã lập ra hệ phái Cửu Tinh Bát Môn, dựa vào chòm sao Đại Hùng Tinh là 7 sao có thật trên vòm trời mà hồi đó ông đã phát hiện được, cộng thêm với hai sao tượng trưng là Tả Phù và Hữu Bật làm thành nhóm Cửu Tinh mà chúng ta sẽ đề cập đến trong cuốn sách này.

Và trong suốt thời Tam Quốc phân tranh, một người được xưng tụng với danh hiệu Vạn Thế Biểu Sư chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng (181 - 234 sau Công Nguyên). Ông là một chiến thuật, chiến lược gia kỳ tài và là một bậc tôn sư về môn Phong Thủy, ông đã áp dụng những nguyên tắc căn bản của môn này vào lãnh vực binh bị, như việc lập doanh trại, địa thế nơi đóng quân v.v… làm cho khoa Phong Thủy được người đời tin tưởng và nghiên cứu để học hỏi nhiều hơn.

Vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên, tức là những năm đầu của nhà Hán cho đến thời Hán Sở tranh hùng, qua tài liệu khảo cổ, chúng ta thấy di tích một vài tác phẩm nói về cách chôn cất và cách đặt mộ phần, tức là khoa Phong Thủy Âm Trạch sau này.

Nhưng tiếc thay, những tác phẩm nói trên đều viết bằng loại cổ tự Trung Hoa, cách diễn tả khó hiểu và bị mất mát quá nhiều, lại thêm tình trạng “tam sao thất bổn”, nên người đời sau không thể dựa vào đó để tham khảo được gì.

Khoảng năm 618 sau Công Nguyên, tức là vào đời nhà Tần, đã xuất hiện nhiều nhà Phong Thủy nổi tiếng, họ như những bậc tôn sư của thời đại, có công hoàn chỉnh và phổ biến sâu rộng khoa Phong Thủy trong nhân gian.

Và cũng từ thời điểm này, khoa Phong Thủy chia ra làm nhiều hệ phái như Cửu Tinh Bát Môn, Ngũ Hành Chính Thống, Huyền Không Ngũ Hành, Hồng Phạm Ngũ Hành v.v… và phân ra làm hai lãnh vực: Âm trạch, chủ về mộ phần và Dương trạch, chủ về nhà cửa, cơ sở thương mãi.

Rồi cũng từ đó, khoa Phong Thủy đã trở thành những nguyên tắc không thể thiếu sót trong cuộc sống của người Trung Hoa cho đến ngày hôm nay.

Bước vào thế kỷ hai mươi, khoa Phong Thủy không còn là tài sản riêng của người phương Đông nói chung, mà đã được người phương Tây nghiên cứu, học hỏi và áp dụng. Theo đà tiến hóa của xã hội với thời gian, Phong Thủy hôm nay chỉ còn áp dụng nhiều trên hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi.

Phần mồ mả, còn áp dụng chăng, có lẽ chỉ ở các nước Á Đông, và tại những vùng chưa đô thị hóa mà thôi. Riêng phần áp dụng khoa Phong Thủy vào hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi, vì để theo đúng bối cảnh sinh hoạt hiện tại, những nguyên tắc của khoa Phong Thủy ngày càng được biến đổi cho phù hợp với thực tế, ngày càng đơn giản và gần gũi với cuộc sống hơn.
 


Theo Cẩm Nang Phong Thủy-Nguyễn Phúc Vĩnh Tung. Nguồn: Phong Thuy Tong Hop
 

Ghi vào ô bên dưới nếu bạn cần Tư Vấn Cách dùng Đúng và Đủ

Cập nhật lần cuối: 9/22/2012 11:10:36 PM

Về trang trước Bản in Gửi email

Tin xem nhiều nhất

Sản phẩm
Tin tức
Tìm kiếm

Liên hệ