Nhà mà không có cửa thì chỉ là một khối điêu khắc, hoặc cái chòi ngắm cảnh mà thôi. Hướng nhà hướng cửa, vai trò quan trọng của hệ thống cửa và những vấn đề cơ bản về cửa trong phong thuỷ lâu nay nhiều người, nhiều nơi đã đề cập.

Bài viết này tập trung vào ba vấn đề hay gây thắc mắc trong giới gia chủ và nhà chuyên môn, đó là quan niệm về cổng, cách bố trí cửa sổ cho hợp phong thuỷ, và cách thức dùng thước lỗ ban để đo cửa như thế nào?
 

cong-va-cua-so-phong-thuy

 

 
 


Bố trí cổng tương ứng với hình thế và kiểu dáng của ngôi nhà góp phần tạo nên sự thống nhất về hình dáng và trường khí.


1. Khéo làm cổng

Kiến trúc cổ Trung Quốc, Nhật Bản rất đề cao cổng, xem cổng như là vị trí xung yếu quan trọng, dùng chất liệu kiên cố, bít bùng để làm cổng, đặt tượng sư tử, kỳ hưu phía trước để trấn trạch. Tuy nhiên, văn hoá truyền thống và phong thuỷ Việt Nam đã có những góc nhìn thoáng và linh hoạt hơn về cổng. Tôn trọng cảnh quan chung quanh, xem luỹ tre, mương nước... là những “rào chắn” thiên nhiên hữu hiệu. Nếp nhà Việt – văn hoá Việt luôn quan niệm và xử lý cổng như một hình ảnh ước lệ để biết bước qua đấy là địa phận một làng, một xóm, một ngôi nhà... chứ không phải để bít bùng, chia cắt không gian, đúng tinh thần hiếu hoà thân thiện vốn có của cha ông ta.

Trong trường hợp nhà có sân rộng, yếu tố phương vị mở cổng cần lưu tâm. Cách xác định vị trí và hướng cho cổng tương tự chọn vị trí chọn hướng cho cửa chính của nhà. Về mặt bát trạch, cần thuận theo cung mệnh, gia chủ thuộc tây tứ mệnh thì mở cổng tương ứng bốn hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc. Gia chủ đông tứ mệnh thì mở cổng thuộc các hướng Bắc, Đông, Đông Nam và Nam. Vị trí cổng mở xét từ bên trong khu đất nhìn ra tránh bố trí thẳng với ngã ba, tránh “trực xung” với cửa cái (cửa chính) của nhà bởi quan niệm “sinh khí đi theo đường vòng, sát khí đi theo đường thẳng”.

Việc chọn hình dáng, màu sắc và vật liệu làm cổng cũng cần xem xét sao cho hợp với ngũ hành cung mệnh. Cổng cho gia chủ có mệnh thuộc thổ nên theo hình dáng vuông vức, kết hợp với tường rào xây gạch đá, gam màu vàng, nâu là hợp. Còn cổng cho gia chủ mệnh thuộc kim nên làm hình dáng có vòm cong tròn, màu xám, trắng, bạc, vật liệu nên thiên về kim loại. Các gia chủ mệnh thuỷ sẽ nên lưu ý hơn gam màu chủ yếu của cổng là màu xanh biển và màu đen, hoa văn uốn lượn mềm mại.

Những loại cổng làm bằng gỗ, hoặc bằng sắt mà dùng hoạ tiết hoa lá, sơn màu xanh lá cây với nhiều thanh song song sẽ thích hợp với gia chủ mệnh mộc, trong khi cổng có nhiều nét nhọn, vát chéo và sơn màu đỏ, nâu hay cổng bên trên có mái ngói nhọn thì dùng cho gia chủ mệnh hoả sẽ khá phù hợp.

Quan niệm tương sinh cũng khuyến cáo mỗi tuổi gia chủ có thể ứng dụng từ một đến ba hành liên quan tương sinh với mệnh của mình, ví dụ gia chủ mệnh hoả, thì ngoài hành hoả của bản mệnh còn có thể dùng hành mộc (sinh hoả) và hành thổ (hoả sinh) để phối kết kiểu dáng, màu sắc, chất liệu cho cổng nói riêng cũng như không gian sống nói chung, nghĩa là biên độ vận dụng khá rộng và linh hoạt.
 

cua-so-hop-phong-thuy


Cửa sổ dù lớn hay nhỏ luôn là miệng thoát khí hữu hiệu, đồng thời góp phần vào việc kiểm soát tầm nhìn ở trong ra, tạo nơi thư giãn hiệu quả cho gia chủ.


Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về cách làm cổng. Có người thích cổng nhẹ nhàng, song sắt thưa thoáng để quan sát và thông gió tốt hơn. Nhưng cũng có gia chủ lại chuộng kiểu cổng kín mít và dày, với mong mỏi giữ gìn sự riêng tư bên trong, tạo cảm giác an tâm hơn. Thực tế thì tuỳ theo từng địa phương, khu đất cụ thể mà cổng nên làm theo kiểu nào để vừa đảm bảo an ninh, chống sự xoi mói từ bên ngoài vào nhà, vừa không khiến ngôi nhà quá tách biệt với môi trường chung quanh, hài hoà thiên nhiên và cảnh quan toàn khu.

2. Mở và bố trí cửa sổ

Miệng dẫn khí (khí khẩu) của ngôi nhà là bộ cửa chính, là cổng vào và cửa phòng (nói chung là các cửa đi). Khi xây cất, trang trí nhà thì vị trí và kích thước cửa đi cũng được quan tâm nhiều hơn. Thế nhưng các cửa sổ lại giữ vai trò chủ đạo trong thông thoáng, điều dẫn dương quang (ánh sáng mặt trời ) và gia giảm luồng khí, đặc biệt khi cửa đi phải đóng kín vì an ninh.

Không ít gia chủ đã từng băn khoăn về số lượng, tỷ lệ và kích thước cửa đi với cửa sổ thế nào cho phù hợp. Khoa học phong thuỷ xưa nay không quy định bắt buộc về số lượng cửa trong mỗi ngôi nhà, mỗi gian phòng. Điều cốt yếu là sự tương quan giữa cửa sổ – cửa đi với toàn thể không gian sử dụng. Nhà quá ít cửa sổ thì mang tính hướng nội, khép kín và tách biệt với ngoại cảnh. Ngược lại, nhà có nhiều cửa sổ hay cả mảng kính mở rộng thì hướng ngoại hơn, có xu hướng thu hút hơn, phù hợp làm cửa hàng, văn phòng kinh doanh, nơi tập trung đông người. Do đó, phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng mà quy định số lượng, kích thước của cửa sổ.

Theo nguyên lý âm – dương (tĩnh – động) của phong thuỷ, những chỗ cần giao tiếp và thay đổi thường xuyên (tính dương) thì nên có nhiều cửa sổ. Ví dụ như phòng khách, chỗ bán hàng, phòng ăn (có thể khuất tầm nhìn từ ngoài vào nhưng phải hướng ra thiên nhiên). Còn đối với không gian cần tĩnh lặng (tính âm) như phòng ngủ, phòng làm việc thì chỉ nên bố trí cửa sổ vừa đủ kèm theo khả năng che chắn bớt ánh sáng và tránh gió lùa.

Làm cửa sổ để mở ra, nó như đôi mắt không thể nhắm suốt, do đó cách mở cửa sổ rất quan trọng, cần lưu tâm ba vấn đề chính. Thứ nhất, cửa sổ nên mở về hướng có gió tốt như gió Nam, Đông Nam, Tây Nam và ánh sáng ổn định (hướng Bắc) nhất là đối với không gian làm việc, bàn viết và học tập. Có khi hướng cửa chính của nhà là Tây nhưng cửa sổ có thể mở được ở Bắc – Nam thì phải tận dụng. Thứ hai, cửa sổ mở ra cần thu được tầm nhìn – cảnh quan đẹp cho người sử dụng bên trong đồng thời lại tránh được người từ bên ngoài nhìn vào nội thất của mình.

Do đó theo phong thuỷ, không nên mở cửa sổ ngay trên đầu giường, hoặc kê giường sát cửa sổ mở rộng. Tốt nhất là giường bố trí chếch góc so với hệ thống cửa đi – cửa sổ vừa thuận lợi cho bố trí đồ đạc, vừa tránh hung khí tác động vào giường ngủ. Thứ ba, khi cửa đi phải đóng thì cửa sổ chính là miệng đối lưu không khí hữu hiệu, vì thế nên chú ý bổ sung cho nhà hệ thống cửa sổ trên cao, cửa sổ trời hay cửa sổ mái (thiên song). Các loại cửa này có ưu điểm là dẫn truyền luồng khí trên cao tránh khí quẩn tù đọng trong nhà, giảm bớt tầm nhìn từ ngoài vào, và lấy ánh sáng trên cao xuống các không gian sâu bên trong nhà mà cửa sổ ngang không đáp ứng được.
 

cong-hop-phong-thuy


Cổng lệch trục so với cửa chính giúp lối vào nhà giảm bớt trực xung.


3. Đo cửa thế nào?

Cho dù trong nhà ở luôn có nhiều loại cửa: cửa trước, cửa sau, bên hông... tuỳ theo hình thế đất đai và tính chất ngôi nhà, thì khoa học phong thuỷ vẫn xác định mỗi ngôi nhà chỉ nên có một bộ cửa chính. Hướng của bộ cửa chính này chính là hướng nạp khí chính của ngôi nhà, còn các cửa cổng, cửa hậu, cửa bên... chỉ là cửa phụ. Cần nhấn mạnh bộ cửa nào là chính (nổi bật khí) như tạo viền, trang trí thêm… đồng thời các cửa khác có thể gia giảm kích thước và đặt chậu kiểng hay vật trang trí để ngăn bớt cường độ của các dòng khí phụ dẫn vào nhà.

Có ba nguyên tắc làm cơ sở cho việc sử dụng thước lỗ ban, đó là quan điểm dương trạch khí, các cấp độ môn – táo – chủ, và nguyên tắc hình phễu.

– Dương trạch khí: Lão Tử thuở trước từng nói: vo đất làm bình cốt để dùng phần rỗng bên trong. Hay quan điểm kiến trúc hiện đại: khoảng không giữa các bức tường quan trọng hơn là bản thân các bức tường! Tức là môi trường sống của con người cần căn cứ vào khoảng trống, ở phần rỗng, chứ không phải là các phần đặc! Do vậy, phải đo các khoảng lọt lòng thông thuỷ cho khí đi qua, tức là đo khoảng trống (phần tĩnh ổn định) chứ không phải đo cánh cửa (phần mở, mang tính động). Cụ thể là đo phần lọt lòng nhỏ nhất của khuôn bao. Về chiều cao, cần tính và đo khoảng lọt lòng từ sàn hoàn thiện đến phần thấp nhất của khuôn bao bên trên.

– Môn – táo – chủ: ba cấp độ này ưu tiên đi từ môn (kích thước hệ thống cửa) đến táo (kích thước bếp) và sau cùng là chủ (các kích thước liên quan đến chủ nhân), trong đó chủ yếu là môn (thước lỗ ban vốn được gọi là môn xích). Còn táo và chủ chỉ cần tương quan tỷ lệ và phù hợp tỷ lệ nhân trắc là đủ. Ví dụ, kích thước bệ bếp phải cao vừa tầm người sử dụng, dù có “kéo vào cung đỏ” mà cao quá hay thấp quá cũng đều hỏng.

– Nguyên tắc hình phễu: để tàng phong tụ khí thì luôn cần hệ kích thước cửa đi đảm bảo nguyên tắc từ ngoài vào trong theo hình phễu thu dần vào. Cửa cổng phải rộng và cao hơn cửa chính, cửa chính cao rộng hơn cửa đi vào phòng, cửa phòng ngủ hơn cửa đi vào phòng vệ sinh. Nguyên tắc này đảm bảo cho những cửa ở nơi đối ngoại đông người nên rộng hơn cửa phòng vốn chỉ dùng đối nội.

– Những khung cửa không có cánh cũng đo phần lọt lòng nhỏ nhất và cố định như đã nêu trên. Đối với loại cửa vòm, chiều cao đo tính đến phần đỉnh vòm. Cách tính này đảm bảo các bộ cửa đi đáp ứng được ý đồ thẩm mỹ và tương quan với ngôi nhà, miễn phần mở để đi lại theo kích thước phong thuỷ, những phần chung quanh chỉ đóng vai trò phụ trợ lấy sáng và thông thoáng. Khi cửa đi đóng thì cửa sổ chính là nguồn điều tiết thông thoáng và tầm nhìn, kích thước cửa sổ không bắt buộc phải theo thước lỗ ban mà quan trọng là tương quan cửa sổ trong không gian sử dụng.

==================================

Lưu ý: Bạn nên kết hợp đặt 1 Bộ Khởi Gốc để Chiêu Tài Lộc, Nạp Phước cho gia đình và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất (bạn xem chi tiết tại đây:  http://www.PhongThuybds.Top/Bộ-Khởi-Gốc-Là-Gì   
-------->> 
 
Phong thủy gia Group
 
 

 

Ghi vào ô bên dưới nếu bạn cần Tư Vấn Cách dùng Đúng và Đủ

Cập nhật lần cuối: 5/27/2022 8:48:28 AM

Về trang trước Bản in Gửi email

Tin xem nhiều nhất

Sản phẩm
Tin tức
Tìm kiếm

Liên hệ